Thành Hoàng Làng Vực

Bài 15
Thành Hoàng Làng Vực
(Chuyện Thâm Cung Dưới Triều Đại Hồ Chí Minh) 
(Tác giả: Việt Thường)
----------------------


Cả tên làng là Phong vực, nhưng người ta quen gọi là Làng Vực.
Hai Làng Phong Vực và Đồng Lương họp thành tổng Phong Vực - Đến năm 1947 thì đổi tên thành xã Vạn Thắng.
Làng Vực là địa giới của huyện Cẩm Khê, qua phà Tứ Mỹ là đất của huyện Tam Nông và phía bên kia sông Hồng là các làng Quán giang, Lương Lỗ thuộc huyện Thanh Ba.
Cùng một tổng nhưng Làng vực nằm rải rác trên các đồi nhỏ dọc theo sông Hồng cho tới phà Tứ Mỹ. Còn làng Đồng Lương, trừ một xóm nhỏ nằm trên đồi gọi là xóm Đồi, tất cả trải dài theo sông Bứa - một nhánh của sông Hồng. Hàng năm, cánh đồng của làng Đồng Lương được phù sa của sông Hồng phủ cho một lớp đất màu mỡ - Cánh đồng này chung với làng Hùng-Đô. Đứng trên Gò Ngựa - quả đồi trọc của Làng Vực - nhìn xuống, sông Bứa như một giải lụa đào buộc vòng quanh cánh đồng của Đồng-Lương - Hùng-Đô.


Tổng Phong-Vực là đất bán sơn địa nên dân không thật giàu nhưng chẳng bao giờ bị chết đói. Ngay người nghèo nhất tổng, quanh năm đi ở đợ cho các nhà giàu, chí ít cũng có của riêng mình một căn nhà tranh, vách nứa; một vài sào vườn trồng trè xanh, cọ và cây sở. Phía trước nhà có vài cây cau, khóm mía để làm gậy thờ trong ngày Tết, vài bụi chuối, vài gốc đu đủ, một giàn hoa thiên lý hoặc trầu không. Còn sau nhà bao giờ cũng có vài cây xoan lấy gỗ, vài cây mít, khế và thị. Vài bụi tre, bương và hóp quanh nhà là nét chung của cả tổng. Đất vườn không đủ, người ta vào khai phá đất đồi thuộc quyền của các chủ đồn điền mà ruộng và đồi nối tiếp với xóm Đồi của làng Đồng-Lương, chạy dài cho tới chân núi Đọi Đèn, tiếp giáp với huyện Thanh-Sơn của tỉnh Sơn-La. Cho nên người nghèo cũng có, tùy theo nhân khẩu lao động, từ một đến vài mẩu sắn. Tuy là cơ ngơi phụ nhưng lại chiếm tới gần hai phần ba thời gian lao động của cả năm. Phần làm cho mình, phần làm cho chủ đồn điền bù vào công thuê đất làm rẫy hoặc nuôi rẽ trâu bò.
Trong làng, các nhà giàu thì nhà gỗ mái ngói hoặc cọ. Cột nhà bằng gỗ mít hoặc vàng tâm. Nhà nghèo cũng cột gỗ xoan hoặc vàng tâm loại nhỏ, lợp gianh và vách nứa đan nong đôi. Còn đình làng thì khỏi nói, hầu như toàn bộ cột là gỗ lim to tày ôm, mái ngói nung vảy cá, vách gỗ, vì kèo đều trạm trổ cầu kỳ.
Hầu hết ruộng của cả tổng đều chỉ làm một vụ, hoặc chiêm một mùa. Lúa tẻ là loại "bồ cu", hạt gạo xay xong đỏ gần như gạo cẩm, giã cẩn thận thì màu vẫn hồng hồng, thổi trong nồi đồng điếu hoặc nồi đất nung, cơm thơm mà đậm, nước cơm màu hồng sẫm, húp béo ngầy ngậy. Lúa nếp cho hạt tròn và mẩy như ong non. Mở nắp chõ sôi, mùi thơm bay ra tận cổng vườn. Mới ngửi vào bụng đã kêu óc ách. Rượi cất từ thứ nếp này ngon chẳng kém gì rượu đầu của vùng Từ-Sơn, Bắc-Ninh. Ngô đất bãi mỗi cây ra hai bắp, to bằng cẳng tay. Sắn trồng đất đen gò Trầm Bún, củ lớn nhất bằng bắp chân, phải hôi lửa đã nở bung ra, mùi thơm phức. Loại sắn nếp trồng đất đỏ ăn dẻo như sôi nếp. Khoai môn củ to bằng trái bưởi lớn, chấm mật hoặc nấu chè nếp, muối ăn no luôn. Nếu lại chấm mật ong nữa thì thật là ..., nghĩ mà thèm!


Khác với dưới suối, vùng này củi đốt thả cửa. Nhà giàu cho chí nhà nghèo, bếp đỏ lửa quanh năm. Cả cây gỗ thật to cháy âm ỉ trong bếp, nối tiếp nhau năm này qua năm khác. Đặc biệt là bếp nhà ai cũng có một nồi trè tươi ở cạnh bếp, trè xanh nóng uống quanh năm. Hút thuốc lào, hăm với trè tươi nóng và đậm là cái thú của nam giới, từ tuổi lên mười trở đi. Còn nữ thì luôn mồm bỏm bẻm nhai trầu. Tất cả đều "cây nhà lá vườn", hoặc lấy ở rừng. Quần áo hầu hết nhuộm nâu, hoặc lá chàm, hoặc vỏ vây sim. Cụ già nhà giàu mặc áo lụa màu mỡ gà hoặc màu gụ. Trẻ con nhà giàu mặc áo đũi màu vàng. Còn nhà nghèo thì toàn nâu xồng cả già, trẻ, nam, nữ.


Rừng ở đây khá nhiều thú như hươu, nai, lợn lòi, nhím, chồn, cáo và cả hổ, báo nữa. Cho nên trai làng cũng lập phường săn, lâu lâu lại mang lưới đi lùa bắt hươu nai v.v... Khu vực chân núi Đọi Đèn, nhiều thú đến mức cả làng Văn Khúc ở dưới chân núi đều sống bằng nghề săn bắt thú rừng. Trẻ con làng này lên năm, lên sáu đã có nỏ riêng vừa với sức tay và đã là thiện xạ, bắn trăm phát trăm trúng.


Dân tổng Phong Vực có tục hát ví những khi lao động. Giữa rừng trè hoa trăng ngan ngát, thỉnh thoảng lại ngâm nga tiếng hát ghẹo:


"Nhà hai ơi ới!
Anh kia gánh thóc đường vòng
Tuy em không gánh nhưng lòng em thương
Nhà hai ơi ới!"


Ở đây có tục "thả cỏ", nghĩa là có những gia đình một ông, hai bà mà chẳng có con trai nối nghiệp. Thế là, ông chồng lựa một ông nào đó - Trong tổng hoặc ngoài tổng - có nhiều con trai, mời đến cơm rượu rồi nhờ họ "giúp" cho một trong các bà vợ coi là mắn đẻ, một ngày một đêm. Cái ông đi "giúp" này còn được quà biếu gánh theo về tận nhà.


Đất rộng người thưa. Rừng đầy chim, thú. Sông, đầm, phai (1) ê hề là cá. Tháng giáp hạt, các gia đình gọi là nghèo tuy không có gạo mà ăn, nhưng không đến nỗi đói vì có sắn, khoai ngoài rẫy và thịt cá, thú rừng. Cho nên ngay nạn đói năm Ất Dậu, miền Bắc Việt-Nam có gần 2 triệu người chết đói, mà ở tổng Phong Vực chẳng có người nào bị chết đói. Nhiều đoàn người ở nơi khác còn bồng bế nhau chạy đến tổng Phong Vực kiếm ăn.


Người ta bảo tổng Phong Vực được như vậy là nhờ Thành hoàng linh thiêng. Nghe nói cụ Tả Ao xưa có đi qua vùng này và phán rằng đây là "đất nghịch". Chẳng thế lính thực dân Pháp khi xâm lược Việt-Nam đã phải bỏ mạng ở vùng này không ít, trong đó có cả một tên trung úy, sau được chính phủ bảo hộ cho xây mả ở ngay quả đồi gần bến vực. Kẻ cướp các nơi bị lùng bắt thường bỏ trốn về vùng này vì ngay tàn bạo như tuần phủ Cung đình Vận cũng chẳng dám liều mạng đến đây bắt cướp.


Dân tổng Phong Vực ngang ngạnh, cứng đầu như vậy nhưng trong nội tổng họ lại tuân thủ nghiêm túc những lệ và tục của làng. Đối với họ, sự thiêng liêng nhất là Thành hoàng.


Chuyện kể rằng xa xưa, có một tên tướng cướp nổi tiếng tàn bạo, ưa hiếp dâm và giết gười như ngóe. Hắn đi đến đâu là máu đổ đến đấy. Hắn cướp của nhà giàu, hắn giết người nghèo; đàn bà con gái vừa mắt là hắn hiếp rồi giết luôn. Chẳng biết vì sao người ta không đặt tên hắn là hổ, báo, lang, sói hay cầy, cáo mà lại gọi là thằng Khỉ. Nghe đến cái tên Khỉ, trẻ con cả bốn huyện vùng này là Cẩm Khê, Thanh Ba, Tam Nông và Thanh Sơn đang khóc cũng phải nín bặt. Thế rồi một lần ăn cướp ở làng Văn Lang, hắn đã hiếp một cô gái mồ côi làm nghề cắt sơn và bị cô này dùng dao cắt sơn chém gần lìa đầu. Hắn bỏ chạy, qua đò Tứ Mỹ, đến giáp cầu Điêu Lương thì ngã xuống cánh đồng gần sông Cấm và chết ở đó, chưa đầy một trống canh mối đã xông lên thành mả. Đêm đêm, cùng với tiếng cú, hồn hắn gào thét đòi cơm, đòi rượu và gái. Chủ các ruộng ở đó sợ lắm đành bỏ đất hoang và gom nhau đem rượu thịt đến lễ. Chẳng bao lâu chỗ cánh đồng đó cây mọc thành rừng, cây leo bao chùm ngoài nhìn chẳng thấy gì, nhưng vào trong thì quang đãng. Người ta gọi là Rừng Cấm. Dân tứ xứ tụ về làm ăn khá giả hẳn lên. Bất kể ai mới đến nhập cư đều đem lễ cầu xin ở Rừng Cấm. Người ta cũng kiêng không gọi tiếng "Khỉ" là tên của thằng ăn cướp, mà đọc chệch đi là Khởi. Người lạ không biết, lỡ nói chữ Khỉ, không bị đánh thì cũng bị chửi và đuổi ra khỏi vùng. Đến khi vùng này được chính thức lập thành làng Phong Vực thì dân đã xin được lập đền thờ tên cướp ở rừng cấm làm Thành Hoàng của làng. Từ đó, hàng năm vào ngày 25 tháng Chạp, người ta làm lễ tế Thành hoàng Khởi. Xuất thân là ăn cướp và hiếp dâm, nên trong lễ tế Thành hoàng, dân làng cũng tổ chức đi "ăn cướp giả" và "hiếp giả". Nghĩa là người ta chỉ định trước vài tráng đinh sẽ đóng vai đi ăn cướp và nhà bị ăn cướp là nhà được chỉ định nuôi lợn tế. Cũng có cuộc "chiến đấu giả" giữa hai bên, nhưng võ khí chỉ là gậy gộc và phải đánh nhau như thật.


Chuyển kể là trong cuộc đánh nhau đó, bên ăn cướp phải cố cướp được con lợn tế để mang ra đền lễ Thành hoàng. Và, nếu như có ai đó ở hai phía, lỡ chẳng may bị đánh chết giấc, chỉ cần khiêng ra đền được Thành hoàng phù hộ là khỏe lại ngay, chẳng cần thuốc men, chữa chạy gì cả. Lợn đặt lên tế độ một lúc thì tất cả mọi nhà, mọi chỗ phải tắt hết đèn, hết lửa. Đến lúc ấy, đàn ông, đàn bà; trai gái tha hồ "hiếp" và "được hiếp". Trong đêm tế cho đến gà gáy sáng ngày hôm sau, không có sự phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Có thể là ông chánh tổng ... hiếp vợ thằng mõ và bà chánh tổng lại ... hiếp thằng mõ cũng được. Chuyện cũng kể rằng, cũng trong ngày tế Thành hoàng, nhiều đôi nam nữ bị ép duyên đã được dịp an ủi tý chút vì tuy yêu nhau không được lấy nhau, nhưng mỗi năm lại có một đêm để ăn nằm với nhau. Chính nhờ cái "tục lệ" đó mà trai gái các nơi khác cũng kéo đến rất đông vào đêm tế Thành hoàng của làng Phong vực.


Năm 1945, được sự móc nối của Việt Minh, đội Phiên (đội lính Khố xanh giải ngũ) lúc đó đang làm quản lý đồn điền cho ông đốc Lương, đem tá điền ra phá nhà cửa ở tỉnh lỵ Phú Thọ, thực hiện khẩu hiệu "tiêu thổ kháng chiến", bỗng trở thành Chủ nhiệm Tổng bộ Việt Minh của tỉnh Phú Thọ, quyền lực át cả chủ tịch tỉnh là cựu tham tá tòa sứ Phú Thọ, Nguyễn hữu Chỉnh. Năm 1947, bà vợ già mù chữ của đội Phiên được lôi ra làm chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh, được phó chủ tịch Hội giúp việc là bà Phan thị An, nguyên hiệu trưởng trường Nữ học Hoài Đức (Hà-Nội). Con cả chánh tổng Phong Vực gia nhập Việt Minh được phong đại đội trưởng trong trung đoàn Lao-Hà-Yên dưới quyền trung đoàn trưởng Lô Giang. Đồn điền của ông đốc Lương "được" đội Phiên hiến cho chính phủ Hồ chí Minh, biến thành tập đoàn sản xuất đầu tiên của nước vào năm 1947 - và trao cho ban chỉ huy du kích huyện Cẩm Khê quản lý.


Năm 1947, Pháp nhảy dù Phú Thọ. Lính Pháp thực dân chiếm đóng trên quả đồi có mả thằng trung úy thực dân Pháp ở làng Vực. Lũ cướp thực dân này đã giết một số dân của tổng, có cả cụ già, đàn bà và trẻ nít. Nhưng chúng cũng bị thương vong một số và cuối cùng phải rút bỏ.


Tổng Phong Vực bị đổi tên thành xã Vạn Thắng. Các chức sắc trong làng gần như chỉ đổi chức danh theo cách xưng hô mới: ông tiên chỉ nay là chủ nhiệm Việt Minh; ông chánh hội là chủ tịch xã; vợ ông chánh tổng là hội trưởng hội mẹ chiến sĩ, và v.v... Làng, xã tiêu điều hẳn đi vì một số thanh niên sức vóc nhất đi bộ đội hoặc đi dân công. Số thanh niên còn lại vào du kích xã bận rộn tập quân sự và "rào làng kháng chiến". Thiếu lao động nên ruộng bỏ hoang hóa, nương rẫy lơ thơ. Tiếp đến là chiến dịch tiêu diệt hết chó và gà trống. Không còn gì buồn bằng một làng mà thiếu tiếng chó sủa và gà gáy.


Cuối năm 1951, sau khi đảng cộng sản hoạt động công khai trở lại dưới cái tên đảng Lao động thì toàn xã hầu như đã có cách sinh hoạt, xưng hô mới. Tất cả đều gọi nhau là "đồng chí": đồng chí cụ, đồng chí ông, đồng chí bà, đồng chí con v.v... Nam nữ tha hồ tụ họp, đi đêm về hôm. Nhiều cô mang bầu mà cũng chẳng dám quyết là chửa với ai: đồng chí cán bộ ở trên về hay đồng chí thanh niên trong xã? Nhưng vì là thực hiện "đời sống mới" do đảng Lao động phát động, nên chẳng ai dám bình phẩm. Thanh niên "vùng lên" trả thù lại các bậc cha, ông bằng cách dựa vào phong trào xóa nạn mù chữ mà bắt các cụ già không biết chữ quốc ngữ, khi đi chợ, qua đò v... phải chui qua dây, chui qua lỗ chó chui. Bảo rằng có làm nhục như vậy các cụ mới chịu học!!! Còn các chức sắc của chính quyền thì đi tiên phong trong trang phục. Nghĩa là dù có mặc quần áo nâu, chân đi đất nhưng nhất định phải có cái xa-cốt (túi da) đeo trên vai; phải mua bằng được chiếc bút máy "oe-rơ-vơ" mang ở vùng tề ra vùng Tây chiếm đóng); đầu đội mũ cát và quấn khăn bông trắng quanh cổ như ông Hồ chí Minh.


Kể từ người ta quên luôn Thành hoàng Khởi. Ngày 25 tháng Chạp cũng như mọi ngày. Chiến tranh bằng súng đạn rồi, cần gì phải "đi ăn cướp giả" và "đánh nhau giả" nữa. Những người thích nhau lợi dụng đi họp, đi canh gác hay dân công tha hồ vào bờ vào bụi mà ôm ấp nhau, nhiều lần, nhiều ngàn trong một năm chứ đâu phải chỉ một đêm. Nữ thanh niên bắt đầu cạo răng đen, tập bắt tay như Tây nhưng theo kiểu của cách mạng là bắt cả hai tay và lắc lâu, lắc mạnh đến muốn rụng tay luôn.


Cảnh quan cho đến con người của tổng Phong Vực đang thay đổi. Các cụ già lo lắng "rồi sẽ đi đến đâu với cái đà Mới này". Trâu bò ít đi, cót thóc vơi đi, người ra đi không về ngày càng nhiều. Tối tối cán bộ thông tin xã ngồi trên chòi cao bắc loa thông báo hết chỉ thị này đến nghị quyết kia của chính phủ.


Nhưng, vẫn còn một vài gia đình hầu như chẳng có gì thay đổi. Đó là "thẽm Thảo" (2), "bố cu Cống" (3), lão ký Khui. Họ là dân ngụ cư. Nghe đâu ở quê cũ là thứ cờ bạc bịp, ăn cắp ăn mảy, đi tù về phải bỏ làng phiêu bạt đến chốn này. Thẽm Thảo người xứ Nghệ, giọng nặng như người làng Văn Lang, huyện Tam Nông ở gần Phong Vực. Mặt trâu đực, mắt rắn ráo, cao lớn, được hút rượu vào là luôn mồm khoe có ngôi mộ tam đại chôn ở chân núi Hồng Lĩnh sắp phát quận công. Bố cu Cống người Hà-đông, người chắc nịch, tóc rễ tre, giọng khào khào như đang ăn vụng bột, có nghề hoạn lợn và cờ bạc, từ xóc đĩa, tổ tôm đến chắn, mà chược, cái gì cũng rành. Nghe đâu cũng từng là phó lý ở làng cũ, chỉ vì cờ gian bạc lận mà đi tù và phiêu bạt tới vùng này. Lão ký Khui quê cũ ở Nam định, nghe nói vì nấu rượu lậu mà vào tù mất hết sản nghiệp. Lão biết một ít chữ Nho và biết một số chuyện Tàu. Những khi đi làm ngoài đồng, nam nữ thanh niên hay cho lão ăn phần thêm để lão kể các chuyện như Chiêu quân cống Hồ, Hán-Sở tranh hùng. Đạo mạo như như vậy mà không biết sao nhân dịp một đêm tế Thành hoàng, vào trước 1945, lão lại tý toáy với cô Mập, vừa ngọng vừa khùng, làm cô này chết mê và theo không lão, đẻ cho lão một thằng con trai đặt tên là Xu. Từ đó lão ký Khui được đổi tên thành ký Xu.


Bước vào chiến dịch Điện-biên-phủ, xã hầu như chỉ còn ông bà già và trẻ con. Ruộng rãy lại càng bỏ hoang hóa hoặc cấy mà chẳng được làm cỏ. Lương thực thiếu thốn, nhà giàu xưa kia nay cũng ăn toàn khoai sắn, chẳng biết hột gạo là cái gì. Tất cả thóc gạo đều "được" ủng hộ, "được" trưng thu cho chiến dịch. Tất nhiên là của nhà có thóc gạo, chứ những gia đình như thẽm Thảo, bố cu Cống hay ký Xu thì lúa gạo đâu ra mà đóng góp. Đã lười lại còn hay rượu chè, ăn nhậu, đổi lấy rượu. Tối tối lẻn đi ăn cắp khoai, sắn của dân làng về ăn. Thỉnh thoảng gánh một gánh củi cà-phê hoặc trè hoặc sơn, chặt ẩu trong các đồn điền của tập đoàn du kích huyện mang lên chợ Cát trù bán để mua rượu. Cái đồn điền của ông đốc Lương từ khi bị viên quản lý, đội Phiên, hiến cho chính phủ làm thành tập đoàn sản xuất của du kích Cẩm Khê ngày càng tàn lụi vì tất cả chỉ chia nhau ăn mà chẳng ai chịu làm. Đàn bò hơn bốn ngàn con chỉ vài năm mà còn chưa được năm chục con gầy nhom. Vì nay ủng hộ huyện, mai ủng hộ tỉnh, rồi lại khu, thế là hết. Hàng ngàn mẫu cà-phê sơn, trè chẳng ai chăm sóc, cỏ tranh, cỏ bẽm, cây sặt mọc chen thành rừng hoang. Du kích cũng có dân trong xã ngoài xã cũng có, đua nhau đốt rừng để chặt những cây cà-phê xưa kia tươi tốt như thế làm củi. Lửa, súng và cạm bẫy đến mức chim và thú cũng bạt đi hết. Đêm đêm hãn hữu lắm mới được nghe một tiếng nai tác.


Cái trò đã đói thì sinh ra lười và xấu tính, ích kỷ, đố kỵ. Khẩu hiệu "đoàn kết" đầy đường, đầy nẽo mà ngày nào cũng lanh lảnh tiếng chửi nhau, réo đến mười đời nhau lên chỉ vì mất một con gà con, một quài chuối hay khóm sắn. Thậm chí còn dọa chém hoặc châm lửa đốt nhà của nhau, tháo nước ruộng, cắt mũi trâu! Nhiều cụ già trong xã, sợ đảng và chính phủ, sợ con cháu là đoàn viên thanh niên cứu quốc, là nhi đồng tháng tám hoặc thiếu niên tiền phong, chỉ dám thì thào với nhau: "Đúng là Thành hoàng trừng phạt rồi!"


Đền thờ Thành hoàng vắng ngoe, dây leo, bìm bìm mọc chắn cả lối đi, cửa thì bị mối xông như trát bùn. Rừng Cấm biến thành chợ, rồi thành chỗ ẩn cho dân công và kho gạo trung chuyển để tiếp tế cho chiến trường Điện-biên. Nam nữ dân công các tỉnh, tận Ninh-Bình, Thanh-hóa cũng có mặt ở đây. Nghe kể chuyện về tục lệ tế Thành hoàng Khởi, họ hùa theo nói chuyện nhảm nhí, tục tĩu và thực hiện luôn cái "lệ tế" đó, chẳng cần chờ đến đêm 25 tháng Chạp. Có cặp còn liều lĩnh lôi nhau vào bệ thờ trong đền mà hành lạc. Họ kháo nhau là Thành hoàng bạt vía rồi. Các cụ già trong xã nghe vậy càng thêm rầu rĩ, chờ đêm vắng bái vọng vào đền, chẳng nhang chẳng nến vì cái đó ở vùng "Tự do"chẳng ai bán mà cũng chẳng ai dám sản xuất. Cái kiểu bao nhang xanh xanh đỏ đỏ không khéo còn bị qui tội là Việt gian vì đó là những màu trong cờ tam tài của Pháp!


Cảnh đời sống mới nửa dơi nửa chuột đó đang cố lấn át những lối sống cổ truyền thì làn sóng cải cách ruộng đất ập tới. Tất cả hoạt động sản xuất hoàn toàn ngưng trệ vì tuổi nào, giới nào cũng được đội cải cách ruộng đất chiếu cố. Các rễ (4) được đội cải cách cho ra họp ở rừng Cấm, vào ngồi trong đền Thành hoàng cho kín đáo, thì thào cùng nhau, lên danh sách những người bị qui là "có nợ máu với nhân dân"; là địa chủ, phú nông và trung nông lớp trên; cường hào, ác bá; là Việt-Nam Quốc Dân Đảng là Đại Việt; là mật tthám cho Tây luồn sâu chèo cao trong bộ máy chính quyền nhân dân.


Có Trời mới lường được là cả bộ ba thẽm Thảo, bố cu Cống và ký Xu đều trở thành rễ của đội cải cách ruộng đất. Những kẻ mà suốt mấy năm chống Pháp chẳng tham gia chút công sức nào toàn trộm cắp, rượu chè; là thứ cặn bã của xã nay bỗng nhảy một bước như kiểu các cụ ta xưa thường nói là: "Chó nhảy bàn độc".


Kết quả của cải cách ruộng đất là: vợ chồng đội Phiên chồng giữ chức chủ nhiệm tổng bộ Việt Minh tỉnh; vợ chức chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh đều bị qui địa chủ có nợ máu. Vợ bị đưa về xét xử và bắn chết ở sân đồn điền đốc Lương. Chồng tự tử trong nhà giam. Chánh tổng Phong Vực có hai con trai đi quân đội; một người là đại đội trưởng thuộc Trung đoàn Lao-Hà-Yên, hy sinh ở mặt trận Thượng Lào; một người nữa ở quân giới cũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chuyển vũ khí. Vợ chánh tổng Phong Vực là Hội trưởng mẹ chiến sỹ trong xã, đã quyên góp và tổ chức mang bao nhiêu là áo trấn thủ ủng hộ quân đội. Hai vợ chồng đều đứng đàu sổ cả xã về góp lúa gạo cho các chiến dịch biên giới và chiến dịch Điện-biên-phủ. Một con gái đi dân công bị bom na-pan vừa mù cả hai mắt, vừa bỏng nặng; còn con dâu thứ hai bị bom cụt chân. Ấy vậy mà cả hai vợ chồng đều bị tử hình vì cái tội là cường hào, ác bá có nợ máu với nhân dân (?) và là phần tử có cảm tình với Việt-Nam Quốc Dân Đảng vì sau năm 1945 đã treo ảnh nhà ái quốc Nguyễn Thái Học ngang với ảnh Hồ chí Minh!


Toàn bộ chức sắc chính quyền xã bị đào thải, nhà cửa bị tịch thu chia cho ... người nghèo là bần cố công! Hầu hết bị đưa đi "cải tạo lao động" ở trại giam tỉnh Hà-giang hoặc Tuyên-quang.


Chính quyền mới được thành lập, chi bộ mới của đảng lao động cũng ra mắt xã. Thầy bói hô danh nổi tiếng của Hà-Nội xưa là cụ Ất chắc cũng không thể nào đoán được rằng chủ tịch xã là thẽm Thảo kiêm chi ủy viên của đảng Lao động ở xã; bí thư chi bộ kiêm trưởng công an xã, kiêm chính trị viên du kích là ký Khui, tức ký Xu; còn bố cu Cống là chi ủy viên kiêm chủ tịch Mặt Trận Liên Việt của xã và phụ trách công tác tuyên huấn luôn.


Ngôi nhà của chánh tổng Vực biến thành trụ sở Ủy ban kháng chiến hành chính xã. Bộ ba Thảo, Khui, Cống được chia ba ngôi nhà khang trang nhất xã. Hôm "lãnh đạo" mới của đảng Lao động, chính quyền và mặt trận xã ra mắt nhân dân, Thảo, Khui, Cống đều ngượng nghịu trong bộ quần áo đại cán màu vàng nhạt. Thảo và Khui còn đeo thêm cặp kính lão tịch thu của "địa chủ bị nhức mắt vì không đúng độ số nên chốc lại phải bỏ kính ra lau nước mắt. Cống cắt lại tóc kiểu nồi đất úp, vai đeo xa-cốt màu đen, một bên hông có chiếc đèn pin hiệu Hồng Kỳ của Tàu lục địa, lòng thòng dây dù, một bên đeo bao da súng lục. Nhân dân theo đội trống ếch của thiếu nhi, rước ảnh Hồ chí Minh, Mao trạch Đông, Lê-nin và Xta-lin tuần hành quanh xã hô đủ loại khẩu hiệu rồi tập hợp ở rừng Cấm. Lễ đài là tiền sảnh của ngôi đền thờ Thành hoàng, đỏ chóe các khẩu hiệu, biểu ngữ, các cờ đỏ sao vàng của Việt Minh, cờ búa liềm của Nga-xô và cờ Trung cộng. Phía trong của đền là ảnh của Lê-nin, Xta-lin, Mao trạch Đông và Hồ chí Minh.


Hoàn thành việc cải tổ bộ máy đảng, chính quyền, mặt trận và ban chỉ huy du kích và công an, xã đi vào giai đoạn đầu của kế hoạch hợp tác hóa nông nghiệp. Nghĩa là trong cải cách ruộng đất, trâu bò, nhà cửa, ruộng rẫy của những người bị qui chụp là địa chủ, cường hào, phản động v.v... đều bị tịch thu chia cho bần cố nông thì nay tất cả bị tịch thu hồi lại dưới hình thức góp vào hợp tác xã. Để cho dễ hiểu là nạp lại toàn bộ tài sản đó cho đảng Lao động (tức cộng sản) và bần cố nông lại trở lại thân phận làm công và ở đợ cho "đảng" có khác là trong danh xưng rất kêu: "Xã viên hợp tác xã"!!! Nắm bộ máy tổ chức của đảng lao động ở xã, bộ ba Thảo, Khui, Cống trở thành ban quản lý cái "đồn điền Phong Vực" (tức xã Vạn Thắng) này cho ông chủ thực sự của đồn điền đang ngự trong dinh Toàn quyền Đông dương (cũ) ở Hà -Nội; hệt như vợ chồng Đội Phiên đã từng là quản lý đồn điền cho ông đốc Lương, có phòng mạch và bịnh viện tư ở Nam Vang vậy.


Là đại diện cho đảng Lao động quản lý mọi mặt của xã, Thảo, Khui, Cống thường họp nhau vừa là ăn nhậu vừa là bày mưu tính kế làm vừa lòng cấp trên, vừa có lợi cho bản thân và gia đình. Trong một bữa rượu thịt vào lời ra, Thảo nói: "
Chỉ có ba chúng mình đây với nhau, thú thật với các đồng chí là Thành hoàng làng ta thiêng thật, lậy Ngài mớ bái"
Cống ngẩn người ra suy nghĩ câu nói của Thảo thì Khui đã ề à:
"Đồng chí Thảo nói có lý. Chúng mình ba thằng vẫn đều đặn lén cúng Ngài tất cả mọi lần chúng mình ăn trộm trong xã thoát hiểm. Còn bọn hào lý, đàn anh trong làng thì sau 1945 chúng theo đời sống mới bỏ tế lễ Ngài luôn".
Cống ngước đôi mắt có cặp chân mày cúp xuống và giọng khào khào:
"Vậy là Ngài phù hộ cho chúng mình và trừng phạt bọn chúng?"
Thảo và Khui cùng gật đầu.


Đêm hôm đó, đúng là kiểu "ba anh thợ da bằng Gia Cát Lượng". Thảo, Khui và Cóng có sáng kiến là vẫn bí mật thờ Thành hoàng cũ của tổng Phong Vực mà vẫn che được mắt cấp trên và nhân dân trong xã. Chúng lấy lý do Rừng Cấm với ngôi đền thờ Thành hoàng là địa điểm chỉ huy của đội cải cách ruộng đất, làm nên cuộc cách mạng nông thôn long trời lỡ đất. Cũng tại ngôi đền mà chi bộ mới của đảng lao động ra đời. Cho nên, "lãnh đạo" xã quyết định biến Rừng Cấm thành di tích cách mạng và ngôi đền thành Nhà truyền thống của xã. Thế là ngôi đền được sửa sang sạch và đẹp có phần hơn xưa. Chỉ khác ở chỗ là trên bàn thờ chỗ đặt bái vị của Thành hoàng, phía trước bài vị là bức ảnh Hồ chí Minh lồng khung nhũ vàng. Trên cao là ảnh Mác, Ăng-ghen và Lê-nin và hai bên là ảnh Mao trạch Đông và Xta-lin. Xung quanh tường là ảnh Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm văn Đồng, Võ nguyên Giáp và Hoàng quốc Việt. Bàn thờ lúc nào cũng có hoa tươi, nhang nến. Những lần tiếp cấp trên về, hoặc họp hành có ăn nhậu đều có một cỗ thịnh soạn để trên bàn thờ. Tất nhiên, người đứng cúi đầu trước ảnh Hồ chí Minh đâu hiểu rằng bộ ba Thảo, Khui và Cống cũng cúi đầu như họ nhưng bọn chúng thầm khấn cả Thành hoàng lẫn Hồ chí Minh.


Người biết nhiều chuyện cổ của Tàu là Khui, bảo riêng với Thảo và Cống:
"Chúng ta có ngày nay là nhờ Thành hoàng phù hộ và Bác Hồ ban ơn. Khi bác Hồ trăm tuổi thì bác sẽ là đồng Thành hoàng làng ta vậy, và cũng là Thành hoàng của cả miền Bắc này nữa. Lạy Ngài và lạy bác mớ bái."


Chẳng biết có phải nhờ Thành hoàng nguyên là tên cướp và hiếp dâm phù hộ không mà cả ba Thảo, Khui và Cống đều lên như diều. Dần dà cả bộ ba đều được đều về trung ương. Thảo chuyển qua quân đội, năm 1976 đã đeo lon thiếu tướng và là ủy viên dự khuyết trung ương đảng cộng sản trong khóa 6. Thằng cu Xu ra đời nhờ lần ký Khui "hiếp" cô Mập trong đêm tế Thành hoàng, lớn lên được qua Mạc-tư-khoa học, đậu phó tiến sỹ triết học Mác-Lê, trở thành giáo sư trường Nguyễn ái Quốc. Bố cu Cống thì vượt ngưỡng, vọt lên tới bí thư ban chấp hành trung ương. Cả ba đều đặn viếng lăng Hồ chí Minh cũng như thăm Nhà truyền thống của xã Vạn Thắng, tức ngôi đền, thờ Thành hoàng của tổng Phong Vực cũ, mà mục đích chính là cầu xin Thành hoàng Khởi (Khỉ) phù hộ cho được phú quý lâu dài.


Dân trong xã quên tế lễ Thành hoàng nên ngày càng cùng cực. Đi lính chết cũng nhiều, buôn lậu, trộm cắp, bất mãn với chế độ bị đi tù cải tạo cũng nhiều. Số khác thì được qua Si-bê-ri lạnh buốt để làm nghĩa vụ hợp tác lao động.


Chuyện Trời, Đất thật là khó lường.

Việt Thường

Chú thích:
(1) Tiếng địa phương có nghĩa là "dòng suối"
(2) Có con gái đầu lòng, đệm chữ "thẽm" trước tên.
(3) Có con trai đều lòng, đệm chữ "bố cu" trước tên.
(4) Người được đội cải cách ruộng hợp tác làm việc đấu tố.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét